Giấc ngủ có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Vậy nên cho bé nằm ngủ ở tư thế nào tốt nhất? Trẻ sơ sinh nằm nghiêng có tốt không? Hãy cùng Dầu Tràm Tiên Ông tìm hiểu qua bài viết dưới đây để biết về ưu – nhược điểm của các tư thế ngủ cùng bí quyết để giúp trẻ có giấc ngủ ngon và an toàn.
I. Tư thế nằm ngủ tốt đối với trẻ quan trọng như thế nào?
Ngoài chế độ dinh dưỡng hàng ngày, môi trường sống xung quanh,… thì giấc ngủ cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Giấc ngủ sâu là điều kiện thiết yếu để trẻ được phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh.
Thời gian ngủ là lúc não bộ trẻ phát triển, khoảng 80% tế bào não được sinh ra trong 3 năm đầu đời. Đồng thời khi ngủ, lượng hormone tăng trưởng cũng tiết ra nhiều gấp 4 lần so với khi thức.
Trẻ sơ sinh thường ngủ trung bình mỗi ngày từ 16 – 18 tiếng, cả ban ngày và ban đêm, chỉ thức một vài giờ để bú mẹ, chơi đùa. Do đó, tư thế nằm tốt sẽ giúp trẻ thoải mái, ngủ sâu giấc để phát triển toàn diện. Ngược lại, tư thế ngủ không đúng sẽ khiến trẻ khó chịu, quấy khóc, mệt mỏi, dễ thức giấc,… từ đó dẫn đến tình trạng biếng ăn, chậm lớn, giảm khả năng miễn dịch.
Trẻ sơ sinh không biết tự trở mình nên tư thế ngủ chủ yếu do bố mẹ quyết định. Nằm nghiêng khi ngủ là một tư thế khá phổ biến, thường được bố mẹ áp dụng, tuy nhiên tư thế này có một số ưu điểm và nhược điểm đối với sức khỏe của trẻ.
II. Trẻ sơ sinh nằm nghiêng khi ngủ có những ưu điểm gì?
Nếu trẻ nằm nghiêng khi ngủ không quá lâu và liên tục thì không những không ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn đem lại nhiều lợi ích bất ngờ:
- Trẻ sơ sinh nằm nghiêng sẽ giúp giảm hiện tượng sặc, trớ sữa khi ngủ. Nếu không may bị nôn, hãy cho bé nằm nghiêng để các dịch nôn không chảy vào cổ họng, hạn chế hiện tượng nghẹt thở
- Nếu trẻ có hiện tượng ngáy thành tiếng to khi ngủ, bố mẹ chuyển bé qua tư thế nằm nghiêng sẽ không còn ngáy nữa, hô hấp cũng thuận lợi hơn
- Trẻ nằm nghiêng khi ngủ giúp làm giảm áp lực lên tim, hệ tiêu hóa cũng hoạt động tốt hơn.
III. Trẻ sơ sinh nằm nghiêng khi ngủ có những tác hại nào?
1. Mắc phải hội chứng đầu bẹt
Ở giai đoạn đầu đời, phần xương sọ của trẻ sơ sinh khá mềm. Do đó nếu trẻ nằm nghiêng khi ngủ quá lâu sẽ tạo áp lực lớn lên hộp sọ, dễ gây hội chứng đầu bẹt ở trẻ.
Hội chứng này nếu xảy ra ở mức độ nghiêm trọng sẽ hạn chế khả năng phát triển, mở rộng của não, làm cho não bộ kém phát triển. Việc nằm nghiêng khi ngủ trong thời gian dài cũng làm cho phần tai của trẻ bị chèn ép dẫn đến sự thay đổi hình dạng.
Các hiện tượng nói trên sẽ xảy ra nếu trẻ nằm nghiêng khi ngủ thường xuyên và ở cùng một phía. Do đó, nếu chọn tư thế nằm nghiêng cho trẻ thì bố mẹ cần chú ý luân phiên đổi bên cho trẻ.
2. Trẻ dễ bị mắc tật vẹo cổ
Tật vẹo cổ là do sự rút ngắn của cơ sternocleidomastoid kết nối phía bên của đầu với xương đòn. Hiện tượng này có thể xảy ra nếu trẻ nằm nghiêng khi ngủ thường xuyên. Nguyên nhân của tật vẹo cổ là do các cơ của trẻ còn mềm và chưa phát triển hoàn thiện, dễ bị ảnh hưởng tiêu cực nếu trẻ nằm nghiêng quá lâu.
Biểu hiện nhận biết trẻ bị vẹo cổ là thường có khuynh hướng nghiêng cổ về một bên, đồng thời xoay mặt về bên đối diện. Chẳng hạn, nếu trẻ bị vẹo cổ bên phải, đầu sẽ nghiêng về bên phải, mặt xoay về bên trái và ngược lại. Khi bú mẹ, trẻ chỉ bú một bên vì khi xoay về phía ngược lại dễ khiến trẻ khó chịu.
Khi bố mẹ phát hiện trẻ có những biển hiện trên, cần đưa ngay đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Bác sĩ sẽ hướng dẫn các bài tập kéo, giãn cổ để có thể tập tại nhà và điều chỉnh cổ của trẻ sớm trở lại trạng thái bình thường.
3. Hiện tượng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS)
Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, viết tắt là SIDS – Sudden Infant Death Syndrome, là tình trạng trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi đột ngột tử vong, thường xảy ra khi ngủ. Đây được đánh giá là nguy cơ nguy hiểm nhất đối với trẻ.
Hiện chưa xác định rõ nguyên nhân của hội chứng này. Tuy nhiên, yếu tố rủi ro sẽ tăng lên nếu trẻ nằm nghiêng hoặc nằm sấp vì trẻ sơ sinh còn quá nhỏ, không thể tự mình xoay chuyển đầu và cơ thể, dễ dẫn đến tình trạng bị ngạt thở.
IV. Khi nào nên cho trẻ nằm nghiêng để đảm bảo an toàn
Trẻ sơ sinh còn quá nhỏ để tự mình xoay chuyển đầu và cơ thể, đặc biệt là khi bé cảm thấy khó chịu. Do vậy, sẽ rất nguy hiểm nếu bố mẹ để trẻ nằm nghiêng hoặc nằm sấp quá lâu.
Bắt đầu từ giai đoạn từ 3 – 4 tháng tuổi, bé bắt đầu thích và cố gắng lật người. Lúc này, cổ và đầu của con đã cứng cáp hơn, có thể thực hiện các động tác chuyển mình. Đến khi được 4 – 6 tháng tuổi, trẻ biết tự lật nằm sấp và ngửa, biết chọn tư thế thoải mái, phù hợp cho mình.
Vậy nên, khi trẻ đã biết lật, mẹ có thể để cho con nằm nghiêng mà không cần phải luân phiên thay đổi tư thế, bởi con đã có thể tự chọn tư thế ngủ yêu thích và thoải mái cho mình. Tuy nhiên, khi trẻ mới ngủ, mẹ nên để bé nằm ở tư thế ngửa.
V. Lợi ích và tác hại của các tư thế ngủ khác
Ngoài tư thế nằm nghiêng khi ngủ, bố mẹ có thể đặt trẻ ở những tư thế khác như:
1. Tư thế nằm ngửa
Đây là tư thế ngủ tự nhiên và an toàn đối với mọi đứa trẻ. Bé để hai cánh tay mở rộng, khuỷu tay gấp có chiều hướng lên phía đầu, hai chân gập nhẹ ở gối và đùi. Bố mẹ nên đặt một cái gối mỏng ở dưới vai trẻ để giữ vùng hầu họng được thông thoáng, duy trì trục thẳng của đường thở trên.
Ở tư thế này, trẻ hoàn toàn có cảm giác được thả lỏng, thoải mái, hỗ trợ việc hô hấp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong việc chăm sóc và vệ sinh thân thể cho trẻ.
Tuy nhiên, ngủ ở tư thế nằm ngửa trong thời gian dài dễ khiến cho vùng đầu trẻ bị biến dạng do lép vùng chẩm, ảnh hưởng đến hình dạng đầu và giảm thẩm mỹ khi bé trưởng thành.
2. Tư thế nằm sấp
Nằm sấp là tư thế yêu thích của trẻ khi ngủ vì khá giống với tư thế lúc bé còn trong bụng mẹ, tạo cảm giác ấm cúng, an toàn và được bảo vệ. Trẻ nằm sấp nên để chân gập vào bụng một góc phù hợp, không quá 90 độ, hai tay đặt ở hai bên một cách thoải mái nhất.
Tư thế này có tác dụng giúp hạn chế sự nôn trớ thức ăn và dịch tiêu hóa từ dạ dày trào ngược lên thực quản, đồng thời kích thích sự phát triển do thúc đẩy trẻ vận động, xoay người, lật ngửa,…
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo việc cho trẻ nằm sấp thường xuyên dễ gây nên tình trạng ngạt thở, gây bức bối khó chịu do mồ hôi tích tụ. Đồng thời, bố mẹ cũng khó theo dõi tình trạng của trẻ để phát hiện được các dấu hiệu bất thường.
VI. Một số lời khuyên để trẻ có giấc ngủ ngon và an toàn
1. Sử dụng loại chăn gối phù hợp
Mẹ nên sử dụng nệm cứng thay thế cho nệm quá mềm, nệm nước hoặc có thể để bé nằm ở ghế sofa. Các chuyên gia cũng khuyến cáo không nên để chăn, gối, thú nhồi bông quá nhiều xung quanh khu vực trẻ nằm, vì có thể che đầu hoặc mặt của bé khi ngủ, khiến bé dễ bị ngạt thở.
2. Tránh che đầu bé khi ngủ
Chỉ nên đắp chăn đến phần ngực của bé, để hai cánh tay lộ ra ngoài, tránh lúc ngủ bé quơ tay làm dịch chuyển chăn lên đầu dễ xảy ra tình trạng nghẹt thở. Các chuyên gia khuyên bố mẹ nên sử dụng túi ngủ trẻ em để giữ ấm cho bé mà không cần phải che đầu.
3. Bố mẹ ngủ chung phòng với bé
Bố mẹ có thể ngủ chung phòng với con để thuận tiện trong việc cho bé bú và thường xuyên kiểm tra lúc bé ngủ.
4. Không nên mặc quần áo quá nóng
Khi ngủ, bố mẹ nên cho trẻ mặc quần áo mỏng nhẹ, chất liệu dễ thấm mồ hôi và thường xuyên kiểm tra nhiệt độ xem trẻ có bị nóng hay không.
5. Tạo môi trường ngủ tốt
Bố mẹ hãy duy trì môi trường ngủ mát mẻ, dễ chịu với nhiệt độ khoảng 20 độ C cho bé.
6. Cho bé sử dụng ti giả khi ngủ
Các bác sĩ Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cho rằng núm vú giả có thể ngăn ngừa hội chứng SIDS. Tuy nhiên, nếu bé không muốn sử dụng hoặc lúc ngủ ti giả tự rơi ra thì bố mẹ không nên cố cho trẻ dùng.
7. Tránh sử dụng chung giường
Các chuyên gia khuyên rằng trẻ sơ sinh không nên sử dụng chung giường với bố mẹ, anh chị em, người lớn hoặc những trẻ khác. Người lớn khi đã sử dụng rượu bia hoặc thuốc lá thì không được ngủ chung giường với bé, vì dễ làm bé nghẹt thở.
Các tư thế ngủ đều có các ưu – nhược điểm khác nhau. Để đảm bảo cho sự phát triển của bé, bố mẹ nên luân phiên thay đổi tư thế để con được thoải mái và có giấc ngủ ngon nhất. Hy vọng với những thông tin mà Dầu Tràm Tiên Ông chia sẻ sẽ giúp các bậc phụ huynh có thêm kinh nghiệm và dễ dàng hơn trong việc chăm sóc bé yêu.