Hầu hết chúng ta đều biết rằng sữa và các sản phẩm từ sữa có giá trị dinh dưỡng rất cao và hữu ích cho sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe của bà bầu. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm rõ được việc bổ sung sữa như thế nào là hợp lý và đạt được hiệu quả cao nhất. Vì thế, nên uống sữa bầu vào tháng thứ mấy? Hãy cùng Dầu tràm Tiên Ông tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
I. Những lợi ích của việc uống sữa bầu khi mang thai
Sữa là nguồn dinh dưỡng thiết yếu, không thể thiếu cho sự phát triển của thai nhi cũng như đảm bảo sức khỏe cho người mẹ trong suốt quá trình mang thai. Việc uống sữa bầu giúp mẹ thu nạp được các vitamin, dưỡng chất và khoáng chất quan trọng để đảm bảo cho một thai kỳ khỏe mạnh. Theo đó, sữa bầu mang lại những lợi ích sau:
1. Bổ sung canxi
Cơ thể của người mẹ sử dụng canxi để xây dựng xương, răng, tim, cơ và dây thần kinh đang phát triển của em bé. Do đó, nếu mẹ không có đủ canxi lưu thông trong máu, cơ thể sẽ tự động lấy canxi từ xương để cung cấp cho đủ cho thai nhi khiến mẹ dễ bị loãng xương, xương mỏng và dễ gãy sau sinh.
Vì thế, phụ nữ mang thai sẽ cần khoảng 50 – 330mg canxi để hỗ trợ cho sự phát triển cho thai nhi. Để đáp ứng nhu cầu này, mẹ bầu được khuyến cáo nên tiêu thụ khoảng 1.000mg canxi mỗi ngày. Một ly sữa không béo (250ml) sẽ cung cấp gần 309mg canxi, do đó, phụ nữ mang thai cần tiêu thụ khoảng từ 3-4 ly sữa mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu canxi hàng ngày.
Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng có thể bổ sung canxi thông qua các thực phẩm khác như bông cải xoăn, cải xanh, đậu, sữa chua, phô mai…
2. Cung cấp Protein
Protein là một chất dinh dưỡng cực kỳ quan trọng trong quá trình mang thai ở phụ nữ. Một bào thai đang phát triển phụ thuộc rất nhiều vào protein để có thể xây dựng được các tế bào khỏe mạnh, việc không cung cấp đủ protein sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi và gây ra tình trạng trẻ thiếu cân khi sinh ra.
Protein trong sữa được xem là loại protein hoàn chỉnh có chứa tất cả các loại axit amin cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, protein từ sữa cũng rất dễ tiêu hóa, hấp thụ nên cơ thể hoàn toàn có thể sử dụng được toàn bộ protein được nạp vào.
Theo khuyến cáo, lượng protein cần thiết cho một người phụ nữ trong thời kỳ mang thai là khoảng 1,1 gram trên mỗi kg cân nặng. Một cốc sữa nguyên chất sẽ cung cấp khoảng 8 gram protein, do đó việc uống ba cốc sữa ít béo có thể giúp mẹ bầu đáp ứng hơn 1/3 nhu cầu protein trong ngày.
3. Bổ sung Vitamin D
Vitamin D đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giữ hệ thống miễn dịch của mẹ bầu khỏe mạnh, giúp tránh nhiễm trùng và ngăn ngừa bệnh còi xương ở trẻ sơ sinh. Đặc biệt, cung cấp đủ lượng vitamin D cũng góp phần vào việc đảm bảo cân nặng tiêu chuẩn khi sinh cho em bé.
Khi mang thai, mẹ bầu cần nạp khoảng 600 IU vitamin D mỗi ngày để đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho thai nhi. Một cốc sữa nguyên chất sẽ cung cấp khoảng 125 IU vitamin D, chiếm hơn 20% nhu cầu hàng ngày, do đó, uống 3 cốc sữa mỗi ngày sẽ giúp các mẹ đáp ứng đến hơn 60% nhu cầu vitamin này.
4. Cung cấp DHA
DHA là một loại axit béo omega-3 vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển não bộ và thị giác ở trẻ. Khi mang thai, mẹ bầu cần ít nhất 200 miligram DHA mỗi ngày.
Theo báo cáo trên tờ Nutrient, các loại sữa thông thường không chứa lượng DHA đáng kể nhưng sữa có nguồn gốc từ bò được cho ăn cỏ sẽ có hàm lượng omega-3 cao hơn rất nhiều, giúp làm giảm nguy cơ bệnh tim và các bệnh chuyển hóa khác.
Ngoài việc giúp bổ sung hàm lượng các chất dinh dưỡng cần thiết thì sữa cũng đóng một vai trò không hề nhỏ trong việc giảm các triệu chứng ợ nóng và các vấn đề về dạ dày khác phổ biến trong thai kỳ ở một mức độ nhất định. Bên cạnh đó, nếu mẹ bầu cảm thấy mất nước hay căng thẳng thì một ly sữa sẽ giúp ích rất nhiều.
II. Nên bắt đầu uống sữa bầu vào tháng thứ mấy?
Dù là sữa bầu hay sữa tươi thì mẹ bầu hoàn toàn có thể bắt đầu uống ngay từ khi biết tin có thai. Đặc biệt là trong giai đoạn từ tuần thứ 4, khi thai nhi đang bắt đầu quá trình phát triển não, xương và răng thì cần bổ sung lượng sữa cần thiết để đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho em bé.
Ngoài ra, theo lời khuyên của các chuyên gia thì thời điểm uống sữa tốt nhất chính là trước khi mang thai. Vì vậy, ngay từ khi có kế hoạch mang bầu, bạn nên cần bổ sung sữa ngay vì nó không chỉ giúp tăng cường sức khỏe, nâng cao tỷ lệ thụ thai mà còn giúp phòng tránh được nguy cơ dị tật ống thần kinh cho bé (ống thần kinh được hình thành từ rất sớm, trong khoảng 28 ngày đầu tiên của thai kỳ).
III. Hướng dẫn cách uống sữa bầu tốt nhất cho mẹ và thai nhi
1. Uống sữa bầu trước khi mang thai
- Nên bổ sung sữa từ trước khi thụ thai khoảng từ 2 đến 3 tháng.
- Sữa bầu cung cấp axit folic giúp phòng tránh, ngăn ngừa dị tật ống thần kinh cho trẻ.
- Đảm bảo cơ thể của người mẹ trước khi mang thai có sức đề kháng tốt, khỏe mạnh.
2. Uống sữa bầu khi mang thai
Khi mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu rất dễ bị sụt cân, thiếu máu và sức đề kháng kém, vì vậy việc bổ sung sữa bầu sẽ giúp bù lại những chất dinh dưỡng mà cơ thể đang thiếu giúp mẹ có thêm nhiều năng lượng và giảm nguy cơ suy dinh dưỡng của bào thai.
12 tuần đầu là thời điểm để thai nhi hoàn thiện hết các cơ quan, bộ phận của cơ thể. Vì thế việc uống sữa bầu trong khi mang thai sẽ giúp cung cấp đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu, giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh, thuận lợi.
3. Uống sữa bầu sau sinh
Mẹ bầu sau sinh vẫn cần phải bổ sung sữa bầu mỗi ngày, bởi hàm lượng các chất dinh dưỡng dồi dào trong sữa bầu sẽ giúp việc phục hồi sức khỏe được nhanh hơn, kích sữa về và đảm bảo chất lượng sữa mẹ khi cho con bú. Nhờ vậy mà bé cũng sẽ khỏe mạnh và phát triển tốt hơn.
IV. Mẹ bầu nên uống bao nhiêu cốc sữa trong một ngày?
Một phụ nữ mang thai nên uống khoảng ba ly sữa mỗi ngày, tốt nhất là loại ít béo hoặc không béo. Tuy nhiên, việc lựa chọn loại sữa sẽ phụ thuộc vào tình trạng dinh dưỡng và cơ thể của người mẹ.
V. Mẹ bầu nên uống sữa bầu hay là sữa tươi?
Việc quyết định uống sữa tươi hay sữa bầu phụ thuộc hoàn toàn vào cơ thể và sự thích nghi của mẹ bầu. Không phải ai cũng đều có thể uống được sữa bầu, một số mẹ bầu thường rất sợ mùi sữa bầu và cảm thấy khó uống.
Trong khi đó, những mẹ bầu khác lại không thể uống được sữa tươi. Vì thế, việc nhận định loại sữa nào tốt hơn hay nên chọn loại sữa nào là rất khó.
Tuy nhiên, sữa bầu được sản xuất để phục vụ riêng cho các bà mẹ mang thai nên trong đó sẽ có chứa nhiều hàm lượng dinh dưỡng, các vitamin và khoáng chất quan trọng hơn như vitamin B12, acid folic, sắt…Do đó, nếu chỉ uống được sữa tươi thì các mẹ bầu có thể tìm và bổ sung thêm các chất dinh dưỡng đó từ các nguồn thực phẩm khác thay vì ép mình uống sữa bầu.
VI. Mẹ bầu nên chọn sữa tươi tiệt trùng hay thanh trùng?
Thêm một băn khoăn khác cho các mẹ bầu đó chính là việc nên lựa chọn giữa sữa tươi thanh trùng hay sữa tươi tiệt trùng. Theo đó:
- Sữa tươi thanh trùng là loại sữa chỉ sử dụng được trong khoảng 2 – 3 ngày và cần được giữ lạnh ở nhiệt độ từ 3 – 5 độ C, nên khi mua về cần được uống ngay, tránh để lâu.
- Sữa tươi tiệt trùng là loại sữa đã qua công đoạn diệt khuẩn nên không cần bảo quản ở nhiệt độ thấp cũng có thể để trong một khoảng thời gian dài.
Hai loại sữa này khác nhau về công đoạn sản xuất, chế biến và thời gian sử dụng nhưng công năng, lợi ích lại gần giống nhau. Vì thế, mẹ hoàn toàn có thể sử dụng cả hai loại sữa này trong giai đoạn thai kỳ nếu như đảm bảo đúng xuất xứ, nguồn gốc của sản phẩm và phù hợp với nhu cầu của bản thân.
VII. Các trường hợp không nên uống sữa bầu?
Đối với các trường hợp dưới đây thì các mẹ bầu không nên dùng thêm sữa bầu:
- Mẹ bầu có tình trạng ăn uống tốt, cơ thể ổn định không nhất thiết phải sử dụng sữa bầu mà thay vào đó có thể uống sữa tươi, sữa bột thông thường đi kèm với chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý.
- Mẹ bầu thừa cân: Trường hợp mẹ bầu bị thừa cân thì không nên uống sữa bầu để tránh thai to gây khó đẻ, vừa không tốt cho mẹ vừa không tốt cho bé bởi trẻ có thể bị béo phì. Ngoài ra còn có thể gây tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật.
- Thay vì sữa bầu thì mẹ bầu có thể sử dụng các loại sữa tươi không đường, ăn nhiều rau xanh, bổ sung thêm các vi chất khác. Ngoài ra, nếu mẹ không thừa cân nhưng có vấn đề về đường huyết thì cũng có thể chọn loại sữa bầu dành cho người bị tiểu đường (có chỉ số GI thấp).
- Nếu bị dị ứng các thành phần trong sữa bầu, bạn có thể tìm hiểu thêm về các loại sữa khác phù hợp hay ăn các sản phẩm từ sữa như phô mai, sữa tươi, sữa nước…
Hy vọng bài viết này của Dầu tràm Tiên Ông có thể giúp các mẹ bầu giải đáp được thắc mắc nên uống sữa bầu vào tháng thứ mấy cũng như biết được cách uống và lựa chọn sữa tốt nhất, đảm bảo cho sức khỏe của mình cũng như sự phát triển của bé.